ASTÉRIX TẬP 4 - ĐẤU SĨ ASTÉRIX

Trong tập truyện tranh Astérix này, anh ca sĩ tai họa Assurancetourix bị bọn La Mã bắt đi và gởi về Rome như một món quà cho César. Nhưng khi đến Rome, người ta đã quyết định là Assurancetourix làm đấu sĩ hợp hơn nên đã đưa cậu ta vào đấu trường để chiến đấu với sư tử. Astérix và Obélix lên đường đến Rome để giải cứu Assurancetourix không thành công, cuối cùng đành phải xin gia nhập làm đấu sĩ để cứu cậu ta.

Bắt đầu từ tập này đến tập 29, bộ truyện tranh Astérix có công thức là tập số chẵn Asterix và Obelix sẽ phiêu lưu ở nước ngoài, thường là ở trong châu Âu và tập số lẻ là các câu chuyện diễn ra ở xứ Gaul, chủ yếu quanh làng của Asterix

Click vào hình để đọc truyện, click gần 2 mép của hình để sang trang. Nhấn "Esc" để đóng cửa sổ.













































Một vài thông tin chú thích thêm cho truyện 

- Ở trang 8, một tên lính La Mã có nói "Phải cấm bọn Gaul sử dụng vũ khí bí mật ngoài hiệp định Geneve", ở đây ý nói đến hiệp định Geneve năm 1954 chấm dứt sự hiện diện của Pháp trên bán đảo Đông Dương

- Ở trang 40, có một đoan nhà xuất bản trẻ dịch không chính xác lắm. Nguyên văn César nói "Tu quoque fili?", tiếng latin nghĩa là "Cả con nữa sao, con trai?". Đây là câu cuối cùng César nói khi thấy chính Brutus, một người bạn của mình cũng tham gia vào cuộc ám sát ông. Vì câu này César gọi Brutus là "con trai", nên từ đó người ta truyền tụng rằng Brutus là con riêng của ông. Tuy nhiên không hề có bằng chứng lịch sử xác đáng nào về việc César có nói câu lâm chung khi bị đâm chết, cũng như là việc Brutus là con riêng của ông.
Quay trở lại bộ truyện tranh Astérix, trong đoạn này mọi người đều vỗ tay chào mừng César, duy chỉ có Brutus là thờ ơ, nên César nói "Tu quoque fili" (Con nữa, con trai), ý bảo Brutus cũng phải vỗ tay.

Ở ô màu vàng là đoạn tác giả giải thích ý nghĩa của câu latin Tu quoque fili
- Đây là tập đầu tiên mà Obélix bắt đầu chơi trò thu thập nón sắt của những tên lính La Mã cậu "oánh" được và là tập hiếm hoi mà yến tiệc ở cuối truyện được tổ chức vào ban ngày.

Đội quân cướp biển nổi tiếng

Đây là tập đầu tiên trong bộ truyện tranh Astérix xuất hiện nhóm cướp biển nổi tiếng mà sau này sẽ bị chìm tàu đều đều theo mỗi tập truyện. Nhóm cướp biển này là nhại lại các nhân vật trong bộ Barbe-Rouge (Râu Đỏ) của Jean-Michel Charlier. Jean-Michel Charlier là bạn của Goscinny và Uderzo, và cả 3 đã cùng lập ra tạp chí truyện tranh Pilote nổi tiếng vào năm 1959. Chính từ tạp chí này mà các bộ truyện tranh như Asterix, Râu Đỏ, Bluberry, Achille Talon, Valérian đã ra đời.

Ban đầu, Goscinny và Uderzo họa lại nhóm cướp biển trong tập Đấu sĩ Astérix này chỉ để cho vui. Nhưng sau đó các nhân vật trở nên rất được yêu thích và thường xuyên xuất hiện lại trong truyện. Đây là một trường hợp hiếm hoi mà các nhân vật nhại lại còn nổi tiếng hơn cả nhân vật gốc

Nhóm cướp biển râu Đỏ bên tay phải và trong bộ Astérix bên tay trái

Giới thiệu về các nhân vật gốc trong bộ Râu Đỏ :
- Râu Đỏ, tên trùm cướp biển: hắn kiếm được rất nhiều vàng trong những chuyến viễn du của mình nhưng phải dùng phần lớn số tiền đó để sửa chữa hay mua lại tàu mới do tàu thường xuyên hư hỏng khi đánh nhau. Nhân vật Râu Đỏ này có thể là lấy cảm hứng từ tên cướp biển có thật Râu Đen (Blackbeard - Edward Teach) sống ở thế kỷ 18, thời đại hoàng kim của cướp biển

- Éric, con nuôi của Râu Đỏ (anh chàng tóc bạc ở cuối hàng): nhân vật này chỉ xuất hiện trong tập 5: Chuyến đi vòng quanh xứ Gaul và được nhắc đến ở tập 6, khi thuyền trưởng nói phải đem thằng con Erix ra thế chấp mới mua được tàu mới (có lẽ vì lý do đó mà anh ta không bao giờ xuất hiện ở các tập Asterix sau nữa?). Mặc dù bộ truyện tên là Râu Đỏ, Eric mới là nhân vật chính của truyện. Anh thường xuyên bị giằng co giữa cái thiện và cái ác, muốn hoàn lương nhưng hay bị ông ba nuôi của mình níu kéo lại.

- Baba: anh chàng người châu Phi đã được thuyền trưởng Râu Đỏ cứu nên nguyện ở lại trung thành với ông. Trong truyện Astérix, anh chàng cướp biển da đen không phát được âm "r", lúc nào cũng nói ngọng, tuy nhiên mình dịch thì vẫn cho anh này nói chuyện bình thường.

- Ba Chân (Triple-Patte) : ông này có một cái chân gỗ và một cái gậy để đi tới đi lui vì thế được gọi là Ba Chân. Trong bản gốc thì ông là một nhà phát minh, nhà địa lý, có kiến thức sâu rộng về phẫu thuật, chiến lược đánh nhau và nói thuần thục tiếng Latin. Trong truyện Asterix thì chính ông này hay phát biểu mấy câu tiếng latin mỉa mai cay đắng sau mỗi lần chìm tàu

Các nhân vật cướp biển nổi tiếng này cũng xuất hiện lại trong tập "Một củ cà rốt cho Iznogoud", một bộ truyện khác của Goscinny, đã được dịch trên trang web

0 nhận xét :

Post a Comment

 

Truyện mới đăng