TINTIN TẬP 19 - CÁ MẬP VÙNG BIỂN ĐỎ

Cá mập vùng biển Đỏ là tập thứ 19 trong bộ truyện tranh Pháp Bỉ "Những cuộc phiêu lưu của Tintin" do Hergé vừa vẽ tranh vừa sáng tác. Câu chuyện bắt đầu khi Tintin và thuyền trưởng Haddock tình cờ gặp đại tướng Alcazar trên đường với hành tung có vẻ mờ ám. Sau đó hoàng tử siêu quậy Abdallah bất ngờ xuất hiện ở nhà Haddock làm cuộc sống của ông điên đảo. Khi hay tin nước Khemed của Abdallah đang có đảo chính và Emir cha của cậu gặp nguy,Tintin và thuyền trưởng Haddock liền lên đường sang Khemed để giúp ông, thật ra trong thâm tâm là để chạy trốn khỏi Abdallah. Cuộc giải cứu này của hai người bạn hóa ra lại biến thành một chuỗi các sự kiện lênh đênh trên biển Đỏ nhằm phanh phui một đường dây mua bán nô lệ
Tập truyện này được nhiều nhà phê bình chọn là một trong những tập hay nhất của bộ Tintin. Truyện có điểm đặc biệt là hội tụ hầu hết các nhân vật phụ đã từng xuất hiện trước đây. Tuy các nhân vật này không quen biết và liên quan đến nhau nhưng Hergé đã khéo léo xây dựng một cốt truyện để nối kết tất cả họ lại, từ tên cảnh sát Anh ở Thượng Hải (tập Bông Sen Xanh) đến cô ca sĩ Castafiore người Ý, từ anh thương gia Figueira hoạt bát ở Trung Đông đến vị tổng thống lưu vong Alcazar của Nam Mỹ. Ông làm điều này là lấy cảm hứng từ bộ truyện La Comédie Humaine của danh hào người Pháp Honoré de Balzac. Bộ La Comédie Humaine này cũng có phong cách là gồm nhiều truyện ngắn tách biệt nhau nhưng lại được khéo léo nối kết lại bởi một vài tình tiết chung nào đó.


Tập truyện này có tựa là "Coke en Stock", đây là một câu mật khẩu được bọn tội phạm sử dụng để trao đổi một loại hàng hóa trong truyện. Mình dịch là "Than cốc trong góc", cụm từ này chủ yếu để cho vần giống tựa chính, chứ thực ra từ "góc" không tương đương với "en stock", nghĩa là "có hàng, đang trong kho". Mặc dù tựa chính truyện là vậy nhưng  mình lại ghi trên bìa là "Cá mập vùng biển Đỏ", đây là tựa đầu tiên Hergé đặt cho truyện (Les Requins de la mer rouge), mình sử dụng lại vì nó hợp với bìa truyện hơn 



Các câu chửi của thuyền trưởng Haddock 

Người ta thống kê thuyền trưởng Haddock chửi hơn 200 câu trong bộ truyện Tintin. Chỉ xuất hiện hơn 10 tập mà chửi như vậy là quá nhiều. Đa số các câu chửi của thuyền trưởng Haddock rất sạch sẽ, nghe không xúc phạm lắm. Mình thường dịch khá sát các cụm từ này, và vì thế nó là một trong những phần mình thấy trần ai nhất của bộ truyện Tintin. Lý do là vì đa phần ông cứ nhét các danh từ không liên quan gì vào chung với nhau để chửi, làm mình không hiểu lắm ý ông muốn xúc phạm phần tính cách nào của nhân vật. Dưới đây là những câu chửi "thương hiệu" nhất của thuyền trưởng Haddock.

Mille milliards de mille sabords: Sabord là những cái lỗ hình tròn trên thành tàu là nơi các khẩu đại bác sẽ nhô nòng súng ra mỗi khi tấn công tàu khác. Cụm từ này mình dịch là "ngàn vạn triệu lỗ súng tàu". Trong bản của nhà xuất bản First News gần đây thì lại dịch là "ngàn lần thứ chết tiệt", và bản của NXB Thanh Niên cũ là "ngàn lần trời đánh". Nói chung mình thích dịch sát cụm từ này để cho thấy chất "thủy thủ, đi biển" của ông Haddock

Các lỗ sabord trên thuyền chiến hồi xưa

Tonnerre de Brest ( Sấm Brest ơi!): Đây là một câu chửi/ cảm thán khá phổ biến trong tiếng Pháp hồi xưa. Nó xuất phát từ sự kiện ngày 15/4/1718, một trận bão lớn đã càn quét qua Brest với các đợt sấm chớp dữ dội, và đánh xuống 24 nhà thờ cùng một lúc, làm thiệt mạng 3 người rung chuông nhà thờ (họ lên rung chuông để báo sắp có bão)

Lâu đài Brest

Zouave: đây là tên gọi một nhánh lính bộ binh Pháp hoạt động ở Bắc Phi từ năm 1831 đến năm 1962. Thuyền trưởng Haddock rất hay sử dụng từ này để gọi bất cứ ai hay bất cứ hoạt động gì mỗi khi ông bực mình. Mình chỉ phiên âm lại từ này là zuavơ.
Trong tập Sứ mệnh mặt trăng, thuyền trưởng Haddock có bảo giáo sư Tournesol là "Làm trò zuavơ", làm ông nổi điên đến độ té từ trên cao xuống và mất trí nhớ. Tuy nhiên trong tập đó thì mình chỉ dịch là "làm trò ruồi bu" cho nó nghe thân thuộc hơn

Giới thiệu các nhân vật trong truyện

Dupont và Dupond: Đây là hai viên cảnh sát bất tài, vô dụng, hậu đậu, giống nhau như hai giọt nước nhưng lại không có quan hệ họ hàng gì với nhau. (Do ở Pháp rất lễ nghĩa, người ta thường gọi nhau bằng họ. Dupond và Dupont không phải là tên, mà họ của hai người này nên họ không phải là anh em sinh đôi)

Dupond và Dupont  có mặt trong 17 tập của bộ Tintin, bắt đầu từ tập 3 "Xì gà của Pharaoh". Sự xuất hiện của hai nhân vật này chủ yếu để tạo tiếng cười cho câu chuyện và (vô tình) cung cấp những thông tin cơ mật của cảnh sát cho Tintin. Khi gọi điện thoại, sau khi đã giới thiệu tên mình, họ thường phải nói thêm là "avec D" hoặc "avec T" nghĩa là "với thằng có D/ có T" vì cái tên Dupond/Dupont trong tiếng Pháp đọc như nhau, không phát âm cuối.
Hai viên cảnh sát này lúc nào cũng chỉ mặc có một bộ đồ, áo vest đen, mũ nồi, đi gậy batoong. Ở đây là Hergé vẽ lại cách ăn mặc của cha và chú mình, cũng là hai anh em sinh đôi.

Tuy ngoại hình giống nhau như đúc nhưng chúng ta vẫn có một cách để phân biệt hai người. Anh DuponD là người có râu như chữ D, và anh DuponT có râu chữ T.

DuponD bên trái và DuponT bên phải. Hãy nhìn vào râu của họ
Cảnh sát Pháp/Bỉ đầu thế kỷ 20 với cách ăn mặc tương tự, chỉ khác là không có chống gậy
Cha và chú của Hergé,hai anh em song sinh, hình mẫu của Dupond và Dupont
Oliveira de Figueira: Đây là một thương nhân rất hoạt bát có thể dụ người ta vào mua bất cứ thứ gì dù là một sản phẩm kỳ lạ hay vô dụng đến thế nào đi nữa. Tập truyện này là lần thứ ba Figueira xuất hiện trong bộ truyện Tintin, hai lần trước là ở tập "Xì gà của Pharaoh" và "Đến xứ vàng đen". Figueira là một nhân vật rất đắc lực, thường giúp đỡ Tintin mỗi khi cậu phiêu lưu đến Trung Đông. Tên của ông nghĩa là "Cây Ô-liu của cây sung"

Rastapopoulos: Rastapopoulos là nhân vật phản diện chính trong bộ truyện và đối thủ lâu năm của Tintin. Trong truyện này ông xuất hiện dưới một cái tên khác mà sau đó được tòng phạm tiết lộ chính là Rastapopoulos. Quốc tịch của ông chưa bao giờ được đề cập đến trong truyện nhưng Rastapopoulos là họ Hy Lạp hoặc Thổ Nhĩ Kỳ. Rasta là viết tắt của rastaquouère, nghĩa là người ngoại quốc giàu có (thường là người địa trung hải hoặc Nam Mỹ) với nguồn gốc tiền bạc không rõ ràng, nhìn chung là người không đáng tin. Populo nghĩa là thường dân

Một vài thông tin chú thích thêm cho truyện

- Ở trang 11, khi anh em Dupondt đến tìm Tintin ở lâu đài Moulinsart, chúng ta thấy có một bức tranh treo trên vách ở đằng sau . Đây là bức "Le canal du Loing" của Alfred Sisley. Tác giả Hergé rất say mê hội họa và đã có lúc định từ bỏ làm truyện tranh để tập trung đeo đuổi môn nghệ thuật này
Bức tranh trong lâu đài Moulinsart


Và hình ảnh bức tranh gốc

- Ở trang 30, Abdallah trói Nestor lại rồi nói sẽ đem cột ông vào cây cọ cho cá sấu ăn thịt. Cá sấu bị trói vào cây cọ là biểu tượng của thành phố Nimes, Pháp. Vùng đất này ngày xưa dùng để phong tặng cho các tướng lĩnh đã chinh phục được Ai Cập nên mới có biểu tượng này. Cây cọ là biểu trưng cho sự chiến thắng, còn con cá sấu là Ai Cập.

Biểu tượng thành phố Nimes
Và cảnh trong truyện. Các bạn hãy để ý thấy là cái phất trần cắm lên đầu Nestor nhìn rất giống cây cọ
- Cái tên của nhân vật Mull Pacha trong truyện (bác sĩ Muller) là nhại lại Glubb Pasha (tên thật: John Bagot Glubb). Ông là một học giả, tác giả, chiến sĩ người Anh đã huấn luyện quân đội Ả Rập của vùng Transjordan (một đặc khu ở Trung Đông do quân Anh bảo vệ) và là đại tướng của đội quân này. Ông là bạn thân của vua Abdallah I của Jordan (đất nước mà Hergé dùng làm mẫu để tạo nên quốc gia tưởng tượng Khemed). Vào cuối đời Glubb Pasha giành phần lớn thời gian của mình để viết sách về vùng Trung Đông

- Nhân vật di Gorgonzola trong truyện này (Rastapopoulos) là dựa trên cuộc đời của trùm tài phiệt người Hy Lạp Aristotle Socrates Onassis. Ông là cá nhân từng sở hữu nhiều thuyền nhất thế giới, rất nổi tiếng về sự giàu có cũng như là mối quan hệ tình cảm với nhiều phụ nữ quyền lực. Người vợ đầu ông là con gái của trùm tư bản hàng hải Stavros G. Livanos, người vợ sau ông là góa phụ của cố tổng thống Mỹ Kennedy, ông cưới bà 5 năm sau khi tổng thống Kennedy bị ám sát. Đó là chưa kể mối tình với ca sĩ opera người Mỹ gốc Hy Lạp Maria Callas, được xem là ca sĩ opera có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20.  Trong truyện, nhân vật di Gorgonzola đã mời lên du thuyền mình bà Bianca Castafiore, ở đây hàm ý nói về mối quan hệ của Onassis và Callas ngoài đời

- Các vũ khí chiến tranh trong truyện đều tái hiện lại các vũ khí thật ngoài đời. Chiếc "Con Muỗi" là hình ảnh của chiếc de Havilland Mosquito do Anh sản xuất. Đây là một trong những máy bay chiến đấu/ thả bom nhanh nhất thế chiến thứ II, được làm hầu như hoàn toàn từ gỗ. Còn chiếc USS Los Angeles thì tất nhiên cũng có thật. Chiếc tuần dương hạm này hoạt động trong thế chiến thứ II cho đến năm 1963, sau đó được bán đi với giá hơn 1 triệu đô. Và chiếc tàu ngầm của Rastapopoulos là loại Type II U-boat của Đức

Chiếc "Con Muỗi" (Mosquito) trong truyện Tintin trở thành một vũ khí chiến tranh cũ bị bán lại

Chiếc tuần dương hạm Los Angeles của Mỹ

1 nhận xét :